Friday, 30/01/2015, 11:41
MỎNG, NHỎ, NHẸ?
Kiến trúc luôn được tạo nên bởi những vật liệu chắc chắn và có tải trọng lớn đến rất lớn. Kiến trúc không thể tự ý dịch chuyển xa hơn hay ngẫu hứng thoát ly khỏi nền móng. Nhưng kiến trúc cũng có nhu cầu giao tiếp, đối thoại, lan tỏa.
Trong một “thiên nhiên văn hóa mới” của con người mỗi ngày một rộng lớn hơn, những hình ảnh kiến trúc tiêu biểu cũng cần được treo lên như bức tranh cho nhiều người chiêm ngưỡng. Tự thân mỗi công trình, từng tác phẩm kiến trúc tốt đều có nhu cầu được phổ biến, phổ cập như một yếu tố giáo khoa. Trên lộ trình từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng chốn ở cho con người, mỗi tác phẩm kiến trúc lại đặt ra một định đề, chốt lại như dấu mốc và mở dẫn con đường mới cho những xu hướng, trào lưu, phong cách…
Kiến trúc và nhiếp ảnh có chung mục đích tạo nên những giá trị gia tăng cho đời sống văn hóa, tinh thần. Kiến trúc tập hợp đa dạng những công trình với hình khối, đường nét, công năng, hướng tới sắp xếp những phối cảnh có thể biến đổi đường chân trời. Từ không gian thực của kiến trúc, nhiếp ảnh đã tái hiện, khúc xạ nó trong một hình ảnh hai chiều phẳng, nhỏ, mỏng, nhẹ. Từ những khoảng cách vật lý, tâm lý hay nhận thức, bằng cách lựa chọn những góc nhìn sáng tạo, nhiếp ảnh dần tiến đến trình bày những quan niệm về kiến trúc của kiến trúc sư hay của một thời đại.
Trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, nhiếp ảnh sẽ phải trở thành một gương soi cho kiến trúc; để qua tấm gương ấy, từng dấu ấn thị giác, mỗi không gian sống không chỉ tự soi rọi, ngắm nghía bản thân một cách thụ động. Xuất phát từ nhu cầu phát triển, nhiếp ảnh ngày càng trở thành một kênh thông tin quan trọng để nhìn nhận cái hiện trạng, phản biện cái đã có, rồi từ từ thay đổi quan niệm cũ, hướng đến nhận thức mới về kiến trúc.
Với một quyền năng riêng biệt, nhiếp ảnh không chỉ mô tả, ngợi ca chiều kích vật chất, tôn vinh giá trị văn hóa, thẩm mỹ của kiến trúc. Trong chừng mực nào đó, nhiếp ảnh tạo nên một hiện thực mới cho kiến trúc.
Trước nhu cầu đa dạng đó, thật dễ hiểu là trong mối quan hệ tương tác, kiến trúc ngày càng trở nên thiết thân, là nguồn cảm hứng không ngừng nghỉ đối với nhiếp ảnh.
THAY CHO LỜI TỰ KIỂM
Cứ xem đây là những cảm nhận cá nhân về thực trạng nhiếp ảnh kiến trúc Việt Nam.
Hãy khoan nói về cái được mất, hay dở, đẹp xấu của kiến trúc. Nhưng mấy chục năm qua, nhiếp ảnh kiến trúc không có nhiều cơ hội để hoàn tất bổn phận, trách nhiệm, thiên chức của mình. Nếu xếp các tác phẩm từng được xuất bản, phát hành, người ta chỉ thấy một lộ trình khá buồn tẻ, nhạt nhẽo.
Tạm cho qua những năm tháng chiến tranh, khi đó hướng về chiến trường là tất cả những nỗ lực đáng trân trọng nhất của các tay máy. Một đề tài cần thiết, quý giá như mảng ảnh tư liệu kiến trúc truyền thống,nhưng đành chịu quên lãng.
Sau chiến tranh, môi trường xây dựng mang nặng tính “quan liêu, bao cấp”, cũng không có gì mách bảo cho sự cần thiết của một chuyên ngành hẹp. Nhiếp ảnh kiến trúc tiếp tục bơ vơ, xẹp lép.
Nhìn lại những bức ảnh trên các tạp chí chuyên ngành thời đó, từ mỗi góc máy, kỹ thuật chế bản, trình độ in ấn đến chất liệu giấy… tất cả đều không cho phép khai sinh một sản phẩm nhiếp ảnh kiến trúc đúng nghĩa. Đến khi cả nước bắt đầu thoát nghèo, tới lúc nhà nhà mua máy ảnh, ngay cả thời điểm người người đua nhau bấm máy thì tình hình cũng chẳng mấy cải thiện. Phần đông người Việt chỉ thích chụp gương mặt, chân dung của mình. Chưa khi nào người Việt lại… yêu bản thân đến thế! Cũng như các hoạt động sáng tạo, khám phá, giàu chất trí tuệ, chưa khi nào thân phận của nhiếp ảnh lại bèo bọt hơn. Phần lớn các góc máy – cả nghiệp dư và chuyên nghiệp – đều hướng đến các chỉ số, các hạng mục chim, hoa, lá, cá, gái. Số nhiều sản phẩm ảnh tụ tập quanh những nơi chốn xôn xao, ồn ào. Không mấy ai đủ tĩnh tại để đối thoại một cách chỉn chu, nghiêm túc, chuyên nghiệp với kiến trúc.
Ngay bản thân người viết, mặc dù có kho ảnh khá lớn về kiến trúc nhưng cũng chưa một lần dành trọn vẹn tâm thế, cảm xúc cho mỗi cú bấm máy. Vẫn cứ là mượn, vay, nhờ vả ảnh kiến trúc để làm một công việc nào khác, để toan tính điều gì ngoài công trình, đôi khi còn trù liệu cả những chuyện… to tát?!
Có thể nói, nhiếp ảnh đang cộng sinh trên một cơ thể kiến trúc nghèo nàn, thiếu cá tính, chưa biết khi nào mới rõ phong cách. Trong điều kiện các khoản thù lao của người thiết kế và chủ đầu tư công trình hiếm khi bù đắp đủ chi phí chụp ảnh, không ít tay máy đã nản lòng. Khó có thể phủ nhận rằng phần lớn các tay máy đều không nhiều hiểu biết về lĩnh vực, môi trường, không gian mà họ đang tiếp cận khi thực hiện các hợp đồng. Nhiều tay máy lộ rõ chân dung của mình, những chàng “Thiên lôi” lơ ngơ. Chỗ dựa gần như duy nhất về kiến thức, lý luận kiến trúc chính là từ các kiến trúc sư, cũng thật mong manh và đầy rủi ro.
ẢNH KIẾN TRÚC CẦN GÌ?
Trong khi hoàn cảnh còn quá nhiều nhiễu loạn thì điều quan trọng nhất mà giới nhiếp ảnh cần, là tầm vóc của mỗi người cầm máy. Việc đầu tiên họ phải làm là thoát bỏ khẩn cấp những “cám dỗ” của phương tiện, kỹ thuật.
Khi đặt máy trước bất kỳ một kiến trúc nào, người chụp đừng quá băn khoăn vì ống kính ngắn dài hay thân máy gì, độ phân giải của ảnh lớn nhỏ bao nhiêu, bộ xử lý hình ảnh hay cảm biến nào, khả năng tích hợp công nghệ cao tới đâu?Việc đầu tiên xin mỗi tay máy hãy kiểm đếm, tự vấn về những thấu kính đặt sâu trong cảm xúc, một dung lượng kiến thức tối thiểu cất chứa trong vỏ não…
Mỗi khi đứng trước một kiến trúc cổ, bạn hãy tự hỏi mình đã có hành trang gì của một nhà văn hóa? Bạn có đủ kiên trì chờ đợi cho mặt trời và những tia sáng của nó vẽ nên trên sân nền những chuyển dịch của thời gian? Sự bất định của kiến trúc, mọichuyển động của nguồn sáng, cái biến đổi của hình, bóng đổ có mang tới cho bạn một ý thức mong manh nào về niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo?
Mỗi khi đứng trước kiến trúc đương đại, bạn có lờ mờ cảm thấy những ý đồ, mong muốn và cả khát vọng của người chủ đầu tư? Từ kiến trúc biểu hình một đĩa bay, nhiếp ảnh gia có định chia sẻ với chủ đầu tư một khát vọng bay lên hay lao vào một không gian lớn rộng, khác biệt, đầy thách thức bí ẩn? Bạn có ý định trở lại công trường rất nhiều lần để có cơ may tìm đón, vồ chộp những khoảnh khắc được kiến tạo bởi công trình cùng ánh sáng kỳ ảo, cùng gió mây vần vũ?
Mỗi khi đứng trước từng chi tiết nhỏ của kiến trúc, ví dụ như những chiếc cầu thang, hãy tự hỏi mình đã cất trữ những gì trong kho dữ liệu cá nhân về một không gian chức năng này? Có khi nào bạn đặt ra một câu hỏi nhỏ: Giá trị nào của cầu thang có thể tạo thành điểm nhấn trang trí? Vị trí của cầu thang có mang tính chất quyết định trong việc phân bổ các không gian bên trong ngôi nhà? Nhịp điệu, chất liệu có tạo nên những biến đổi về các mảng sáng tối, đậm nhạt trong từng hình ảnh? Và đằng sautất cả những chi tiết nhỏ, lẻ, hơi “lặt vặt” ấy, người cầm máy có thể đi xa hơn chút nữa để nhận thấy những thông điệp mang tầm tưtưởng của kiến trúc sư?
Để kết thúc, người viết muốn vay mượn, liên tưởng giữa chân dung những người cầm máy với Tilt Shift – một loại ống kính chuyên dụng. Trước khi có những phần mềm chỉnh ảnh, các hãng chế tạo đã mau mắn tạo nên sản phẩm này nhằm giúp các nhiếp ảnh gia nắn chỉnh những đường nghiêng, chéo thành đường thẳng. Để tạo ra ống kính Tilt Shift, các hãng máy ảnh lớn nhất thế giới chỉ mất vài năm. Thế nhưng, cần bao nhiêu thời gian để nhiếp ảnh kiến trúc Việt có thể tự điều chỉnh mình, tạo nên dáng vóc, tư thế thẳng thớm, ngay ngắn, cơ may bình đẳng trước kiến trúc?